Translate

11 thg 6, 2014

Hoa Kỳ Sẽ Làm Gì Để Triển Khai Chiến Lược Tái Cân Bằng Châu Á

Jonathan D. Pollack và Jeffrey A. Bader
Liêm Nguyễn lược dịch theo Brookings
Bài đăng trên CalitodayMột thế giới

Rõ ràng là khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải là trọng tâm trong chiến lược đối ngoại sắp tới của Hoa Kỳ, nhưng thách thức mà chính phủ Mỹ phải đương đầu là làm sao để chiến lược đó có hiệu quả lâu dài và được sự tin tưởng của công chúng Mỹ cũng như các đối tác. Jonathan Pollack và Jefferey Bader khuyên Tổng thống Obama nên phối hợp một cách hiệu quả các chính sách về chính trị, an ninh, và kinh tế.

Tóm tắt và Khuyến nghị

Chiến lược tái cân bằng châu Á mà chính phủ của tổng thống Obama đang theo đuổi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ Trung quốc tỏ ra nghi ngại và Triều Tiên phản đối. Một sự dịch chuyển các nguồn tài nguyên, sức mạnh, năng lực và sự quan tâm của Hoa Kỳ, từ các xung đột quân sự trong quá khứ sang một khu vực năng động nhất của thới giới cả về chiến lược và kinh tế, là một chiến lược hợp lý và đúng lúc. Hoa Kỳ cần thúc đẩy hơn nữa chiến lược này từ những thành công bước đầu, để chứng minh rằng lời nói của chúng ta luôn đi đôi với hành động, và để truyền đạt lập trường của Hoa Kỳ rằng đây một sự đổi hướng dài hạn các ưu tiên chính sách của Hoa Kỳ.

Mục tiêu của chiến lược này bao gồm 3 phần: (i) để bảo vệ và tăng cường các quyền lợi dài hạn về chính trị, kinh tế, và an ninh; (ii) để xác nhận và thắt chặt quan hệ với các đồng minh và đối tác lâu năm, cũng như mở rộng quan hệ với các đối tác mới; và (iii) để đạt được hai mục tiêu trên mà không làm cho Trung quốc cảm thấy bị cô lập hay tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Việc chọn lựa chính sách là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi sự khôn ngoan trong xử lý và cân nhắc hàng loạt các vấn đề và quyền lợi, đôi khi đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của tổng thống Obama.

Một chính sách dài hạn và hợp lý phải được xây dựng dựa trên những mục tiêu và những thành quả bước đầu của chiến lược tái cân bằng, nhưng đồng thời cũng phải tạo ra được động lực và phương hướng trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung quốc. Chúng tôi đề nghị những bước sau đây:
Quan hệ Hoa Kỳ - Trung quốc
Thứ nhất, phải nhất thiết đảm bảo rằng những cắt giảm ngân sách hiện tại không ảnh hưởng đến sự sẵn sàng chiến đấu và năng lực của quân đội Hoa Kỳ ở biển tây Thái Bình Dương, hoặc dẫn đến cắt giảm các kế hoạch điều quân đã được lên kế hoạch cho chiến lược tái cân bằng.

Thứ hai, nhanh chóng hoàn tất các thương thuyết về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong nửa đầu năm nay và kêu gọi quốc hội mau chóng chuẩn thuận. Chúng ta cần truyền đạt cho Bắc kinh hiểu là Hoa Kỳ không có ý loại trừ Trung quốc ra khỏi TPP mà sẵn sàng ủng hộ sự gia nhập của Trung quốc khi họ đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết.

Thứ ba, song song đó, dựa theo đại hội toàn thể trung ương 3 khoá 18 của đảng cộng sản Trung quốc tháng 11/2013, chúng ta cần từng bước thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ với những nỗ lực cải cách và chuyển đổi kinh tế của lãnh đạo Trung quốc. Thành công kinh tế, và đặc biệt là sự dịch chuyển của Trung quốc sang một nền kinh tế tự do hơn, là mối quan tâm của Hoa Kỳ. Mau chóng hoàn tất các thương thảo trong hiệp định đầu tư Hoa Kỳ - Trung quốc trước năm 2016 sẽ cho chúng ta một cơ hội để chứng minh sự tín nhiệm trong chính sách của Hoa Kỳ.

Thứ tư, chúng ta cần gắn chặt quyền lợi của các đối tác châu Á với quyền lợi của Hoa Kỳ. Chúng ta cần ủng hộ nỗ lực của thủ tướng Abe trong việc tăng cường an ninh, trong bối cảnh của mối quan hệ đồng minh song phương với Hoa Kỳ, nhưng cũng cần ngăn cản để ông Abe không khuấy động các vấn đề lịch sử trong mối quan hệ giữa Nhật với Đại hàn và Trung quốc, như ông ta đã làm gần đây khi đi thăm đền thờ Yasukuni. Hoa Kỳ cũng cần ủng hộ Abe trong nỗ lực đẩy mạnh cải cách nền kinh tế của Nhật. Cùng lúc, chúng ta cũng cần thúc ép tổng thống Park để bình thường hoá mối quan hệ Đại hàn - Nhật. Sự bất hoà liên tục giữa 2 đồng minh bắc Á của Hoa Kỳ sẽ làm ảnh hưởng đến khu vực và làm tổn hại trực tiếp đến các quyền lợi và mục tiêu trong chính sách của Hoa Kỳ. Chúng ta phải truyền đạt điều này một cách rõ ràng với cả Tokyo và Soul.

Sau cùng, chúng ta cần tích cực làm giảm các căng thẳng leo thang trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa đông và biển Đông Nam Á, và tăng cường nỗ lực để tách biệt tranh chấp tài nguyên với tranh chấp lãnh thổ trong 2 vùng biển này.

Tổng quan tình hình

Những yếu tố cơ bàn về chinh trị, an ninh và kinh tế trong chính sách tái cân bằng của tổng thống Obama đã dược truyền đạt và diễn giải một cách hiệu quả trong khu vực. Chúng ta đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á, và tham gia trong việc định hình một chương trình nghị sự đa phương, trong một khu vực mà trong quá khứ bị chi phối nhiều hơn bởi các mối quan hệ song phương. Chúng ta đã tăng cường quan hệ với ASIAN và đã đón nhận mối quan hệ mới với Myanmar. Hoa Kỳ cũng đã liên tục tái triển khai các vũ khí hiện đại, cả không quân và hải quân, về khu vực này trong lúc nhu cầu ở châu Âu, Iraq và Afghanistan đã không còn. Hoa Kỳ cũng đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Đại Hàn trước những khiêu khích liên tục của Pyongyang, và đã hợp tác với thủ tướng Abe trong việc sửa đổi chính sách an ninh và sức mạnh của quân đội Nhật trong một môi trường đang gia tăng các đe doạ quân sự. Chúng ta đã thông qua một thoả thuận về tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và Đại hàn, và đang theo đuổi một hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái bình dương với 11 quốc gia, một cơ cấu sẽ làm thay đổi các thoả thuận thương mại và đầu tư trong những thập niên tới.
Triển khai quân sự của Hoa Kỳ trong chiến lược tái cân bằng châu Á.

Cùng lúc đó, chúng ta đã nỗ lực để làm ổn định và tăng cường quan hệ với Trung quốc. Cuộc gặp mặt của tổng thống Obama với chủ tịch Tập cận Bình tại Sunnyland, trong đó Hoa Kỳ cam kết gia tăng các liên lạc quân sự và đối thoại an ninh, và khôi phục các thương thuyết về hiệp định đầu tư song phương để giải quyết các vấn đề về rào cản thương mại, một phần then chốt trong quá trình này. Tuy nhiên cả hai phía đều vẫn có những nghi ngờ về chủ ý chiến lược của nhau, về các hoạt động do thám mạng, và cả về các khác biệt về chính trị. Hơn nữa, những giới hạn về kinh tế ở cả 2 hệ thống (ví dụ như thâm hụt ngân sách và đầu tư thấp của Mỹ, hay tiêu thụ kém và mức đầu tư quá cao của Trung quốc), cùng với những khác biệt đã nêu ở trên đã tạo ra một cộng hưởng không lành mạnh cho mối quan hệ giữa 2 bên.

Tuy nhiên, chúng ta không thể làm ngơ trước một thực tế là ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực đã bị tổn hại rất nhiểu từ sự thiếu hiệu quả của hệ thống chính trị trong nước, như đã thấy trong năm vừa rồi. Nếu chúng ta không có một lộ trình hợp lý cho các vấn đề này, những lý lẽ và chiến lược của Hoa Kỳ sẽ không đủ sức thuyết phục người châu Á. Các nước châu Á đều có quan điểm thực dụng về năng lực và hành động của Hoa Kỳ, và họ có vẻ không ấn tượng lắm với những gì mà hệ thống chính trị Mỹ thể hiện gần đây, cũng như những giới hạn của nó trong việc đáp ứng các mối quan tâm to lớn của Hoa Kỳ. Sự tôn trọng của với các nước khác với Hoa Kỳ đều đến từ sức mạnh kinh tế, sự cởi mở và năng lực điều hành, cũng như sức mạnh quân sự của chúng ta. Những yếu tố này của Hoa Kỳ đã không còn thuyết phục nhiều như thời gian sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Biến cố đóng cửa chính phủ và những nguy cơ huỷ hoại niềm tin và uy tín của Hoa Kỳ qua việc đóng băng mức nợ trần đã gửi đi một thông điệp rất tiêu cực đến khắp châu Á. Việc huỷ kế hoạch tham dự APEC 2013 và các hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong năm trước của tổng thống có thể là điều không đặng đừng, nhưng nó đã phá huỷ sự tin tưởng và danh dự của Hoa Kỳ ở châu Á. Việc viếng thăm Đông Á của tổng thống vào đầu năm nay tuy nhiên đã xác nhận lại là mối quan tâm của Hoa Kỳ với khu vực không phải là nhất thời. Sự cắt giảm ngân sách, mặc dù hậu quả đã được giảm thiểu bởi thoả thuận với quốc hội, có nguy cơ phá huỷ sự tin cậy của các nước châu Á vào Hoa Kỳ như một đối tác chính trị, an ninh và kinh tế. Những vấn đề này xảy ra trong hoàn cảnh Trung quốc hiện đang là đối tác thương mại quan trọng nhất với tất cả các nước trong khu vực, trong khi sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ đang chựng lại.

Vai trò của Hoa Kỳ như một đối tác an ninh và kinh tế trở nên khó khăn hơn khi chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này đã được bộc lộ qua các tranh chấp trên hàng ngàn các đảo nhỏ và các bãi đá chìm ở biển Đông Nam Á, giữa Trung quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei, Đại hàn và Đài loan, cùng lúc với những gia tăng căng thẳng và hoạt động quân sự ở biển Hoa Đông. Nguy cơ xung đột quân sự giữa Trung quốc và Nhật đã tăng cao gần đây với việc Bắc kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) dọc theo bờ biển phía đông trung phần của Trung quốc. Hoa Kỳ cần làm việc với các quốc gia này để làm giảm căng thẳng và ngăn ngừa các khả năng leo thang quân sự ngoài ý muốn, và để đảm bảo là vùng ADIZ mà Trung quốc đòi hỏi phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Kết luận

Sự tăng cường can dự của Hoa Kỳ vào khu vực châu Á-Thái bình dương là một xu hướng được hoan nghênh và hoàn toàn cần thiết. Những phát biểu và các cuộc viếng thăm là các công cụ quan trọng để truyền đạt các thông điệp về chính sách của Hoa kỳ. Nhưng chúng ta phải đảm bảo rằng những công cụ này được hỗ trợ bằng cách hành động thực tiễn để hiện thực hoá các mối quan tâm của Hoa Kỳ, nếu không thì những tuyên bố và những cuộc viếng thăm cũng chỉ là những thông điệp rỗng tuếch đối với các quốc gia mà chúng ta đang muốn gây ảnh hưởng ở châu Á.