Bài đăng trên Quê Choa
Sau một thập niên xem nhẹ tầm quan trọng của châu Á, chính quyền Obama trong ba năm vừa qua đã theo đuổi một kế hoạch để chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sang châu lục này. Kế hoạch này được mong đợi sẽ giúp củng cố các quyền lợi của Hoa Kỳ trong một khu vực ngày càng trở nên nguy hiểm, thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại, và thiết lập lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ để tái cân bằng với một Trung quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Sau một thập niên xem nhẹ tầm quan trọng của châu Á, chính quyền Obama trong ba năm vừa qua đã theo đuổi một kế hoạch để chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sang châu lục này. Kế hoạch này được mong đợi sẽ giúp củng cố các quyền lợi của Hoa Kỳ trong một khu vực ngày càng trở nên nguy hiểm, thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại, và thiết lập lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ để tái cân bằng với một Trung quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Chuck Hagel tại Singapore vào thứ sáu 30/5 |
Trung quốc đang thúc ép và thăm dò các đồng minh của Hoa Kỳ ờ châu Á, trong một nỗ lực làm suy yếu các mối liên hệ đã gắn chặt các nước đồng minh trong khu vực với Washington và làm cho Hoa Kỳ trở thành một sức mạnh vượt trội trong khu vực kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Mới trong tuần trước, Trung quốc đã có những trao đổi vũ lực với Việt Nam và Nhật. Một tàu đánh cá của Trung quốc đã húc và làm chìm một thuyền chài của Việt Nam gần khu vực mà Trung quốc đặt giàn khoan trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi Việt Nam. Chỉ vài ngày trước đó, máy bay chiến đấu của Trung quốc đã bay rất gần các máy bay do thám của Nhật trong vùng không phận tranh chấp giữa hai quốc gia.
Tuy cả hai cuộc trạm chán này đều đã không làm tăng mức độ căng thẳng giữa Trung quốc và Hoa Kỳ như đã xảy ra ở biển Hoa Đông vào năm ngoái khi lần đầu tiên Trung quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên một không phận bao trùm các đảo không có người ở của Nhật. Thế nhưng, những tình huống này đã tạo nên một kiểu mẫu cho những căng thẳng leo thang về hàng hải và hàng không trên Thái Bình Dương, gây quan ngại cho chính quyền Hoa Kỳ.
Trong bài diễn thuyết mở đầu hội nghị vào sáng thứ bảy 31/5, ông Hagel đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để lên án các hành vi hăm doạ và hiếp đáp của Trung quốc. Ông nói: “Trung quốc luôn gọi biển Đông là biển của hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Nhưng trong những tháng gần đây, Trung quốc đã có những hành động đơn phương gây bất ổn để đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông”.
Theo ông Hugh White, nguyên là chuyên gia quốc phòng cao cấp của Úc và hiện là giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học quốc gia Úc, mục đích của Trung quốc là để cho Washington thấy rằng nếu tiếp tục củng cố các quan hệ đồng minh ở châu Á, Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ xung đột với Trung quốc. Ông White nói: “Trung quốc làm những việc này hoàn toàn có chủ ý, để cho Hoa Kỳ thấy là họ không thể cùng lúc có quan hệ tốt với Trung quốc mà vẫn củng cố quan hệ đồng minh với các nước khác ở châu Á. Cần nói thêm là chính các mối quan hệ đồng minh như thế đã tạo nên vị trí lãnh đạo hiện nay của Mỹ trong vùng.” Ông White nói tiếp: “Trung quốc đang đặt cược là một nước Hoa Kỳ đã mệt mỏi and đang hướng nội, sẽ lùi bước, qua đó làm xói mòn ảnh hưởng truyền thống của Hoa Kỳ ở châu Á và làm tăng sức mạnh của Trung quốc.”
Tuy trước bàn dân thiên hạ, ông Hagel và Hoa Kỳ cho thấy họ chọn vị thế ủng hộ Nhật - và ở một mức độ thấp hơn với Philippines, Việt Nam, hay bất kỳ một quốc gia nào có xung đột với Trung quốc – Nhưng ở phía sau cánh gà, một số quan chức Hoa kỳ đã cho thấy là họ khó chịu với việc tất cả các nước liên quan đang chơi trò “liều ăn nhiều” rất nguy hiểm và có thể dẫn đến chiến tranh.
“Không một quốc gia liên quan nào thực sự muốn giải quyết vấn đề”. Một quan chức cao cấp Hoa Kỳ cho biết với điều kiện giấu tên. Quan chức này cũng nói rằng Hoa Kỳ sẽ công khai bảo hộ Nhật, và vì những ràng buộc trong hiệp ước giữa hai nước, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chiến nếu điều đó xảy ra giữa Nhật và Trung quốc. Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm, là các quan chức cao cấp Hoa Kỳ cũng nhắc nhở Nhật trong phòng kín là phải thận trọng trước mọi hành động, và tránh dồn Trung quốc vào ngõ kẹt.
Nguyên phó phụ tá bộ trưởng quốc phòng phụ trách Nam Á và Đông Nam Á Vikram J. Singh, hiện là phó giám đốc chuyên về an ninh quốc gia tại Trung Tâm Tiến Bộ Nước Mỹ, dùng hình tượng thế này: “Hãy tưởng tượng những quốc gia này là những đứa trẻ đang chạy chơi trong sân trường, chúng chạy lăng xăng trong khi trên tay đứa nào cũng đang cầm kéo”. Ông tiếp: “Chiến tranh thường bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhặt, không chủ đích hay do những tính toán sai. Những động thái hung hăng có thể dẫn đến những phản ứng quân sự không lường trước được.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Úc và Nhật |
Theo Andrew L. Oros, hiện là phó giáo sư chính trị học từ Washington College ở Chestertown, bang Maryland, một chuyên gia về Đông Á, thì “Bất kỳ một giáo viên kinh nghiệm nào cũng biết là trước hết bạn phải buộc những đứa trẻ phải lễ phép, rồi sau đó mới bắt đầu có thể làm trọng tài để phán xét những bất hoà xảy ra giữa chúng”.
Như một chỉ dấu cho thấy những bất hoà hiện nay thực sự đã bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa trước đó, một quan chức Trung quốc trong phòng họp đã lên án ông Abe về việc vào năm ngoái ông đã viếng thăm đền thờ Yasukuni vinh danh những người đã chết trong chiến tranh thế giới thứ hai bao gồm cả những tội phạm chiến tranh. Chuyến viếng thăm của ông Abe vào lúc đó đã làm Trung quốc và Nam Hàn, hai quốc gia nạn nhân của phát xít Nhật, giận dữ, trong khi Hoa Kỳ cũng tỏ ra khó chịu qua một tuyên bố mô tả chuyến viếng thăm của ông Abe là “một động thái làm gia tăng căng thẳng với các láng giềng của Nhật”.
“Hàng triệu người ở Trung quốc, Nam Hàn và nhiều nước khác trong vùng đã bị sát hại bởi quân đội Nhật”, quan chức Trung quốc mở màn, rồi hỏi liệu ông Abe có vinh danh họ không. Ông Abe thì trả lời rằng nước Nhật đã cảm thấy rất hối lỗi sau thế chiến thứ hai. Nhưng ông cũng nói thêm rằng việc vinh danh những người đã chiến đấu cho tổ quốc là một việc làm bình thường.
Một số chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng, mặc dù những tranh chấp hiện nay về lãnh hải và không phận bắt nguồn từ những đòi hỏi chủ quyền trong lịch sử, chính quyền Obama đã góp phần không nhỏ vào những căng thẳng này qua chính sách xoay trục về châu Á. Nhiều người Trung quốc tin rằng chính sách xoay trục này của Hoa Kỳ là nhằm kiềm chế sự lớn mạnh của Trung quốc. Wu Xinbo, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Hoa Kỳ thuộc trường Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết: “Vì lý do đó, bạn không thể kỳ vọng là Trung quốc sẽ hân hoan đón nhận những liên minh của Hoa Kỳ, bởi vì điều đó là không có lợi cho Trung quốc”.
Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình đã nói rõ sự phản đối của ông trong một bài diễn thuyết tại Thượng Hải vào ngày 19/5, trong đó ông đề ra một chiến lược an ninh châu Á mới không có sự hiện diện của Hoa Kỳ. Trong phát biểu tại Hội Nghị Tương tác và Các Thước đo Xây dựng Niềm Tin châu Á, ông Tập đề nghị: “Chúng ta cần sáng tạo những ý tưởng về an ninh, thiết lập một cấu trúc an ninh hợp tác mới trong vùng, và cùng nhau xây đắp một lộ trình an ninh cho châu Á mà trong đó tất cả các bên đều có lợi”. Theo Tân Hoa Xã, thì trong cấu trúc an ninh mà ông Tập nêu ra sẽ có mặt Trung quốc, Nga, các nước châu Á nhưng không có Hoa Kỳ. Trong một hội nghị khác ở Bắc Kinh, đô đốc Sun Jianguo, phó chủ nhiệm Quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc (PLA), làm rõ hơn về sáng kiến của Tập khi mô tả hệ thống liên minh quân sự của Hoa Kỳ như một kiểu mẫu lỗi thời từ Chiến Tranh Lạnh, và cần phải được thay thế bằng một cấu trúc an ninh với trọng tâm chính là châu Á.
Cho tới nay, những ý tưởng của Tập Cận Bình vẫn chỉ được Trung quốc phác hoạ như một đề cương với những nét chính mà thiếu các chi tiết. Ở trong vùng, nó được biết đến như một chính sách “châu Á của người châu Á”, “một cơ chế mà trong đó Trung quốc sẽ là ông trùm có thể quyết định mọi thứ”, một nhà ngoại giao cao cấp từ một nước đồng minh châu Á đã nói như vậy, với điều kiện dấu tên để không chọc giận Trung quốc.