Translate

4 thg 6, 2014

Vì Sao Việt Nam Không Xuất Được Gạo Chất Lượng Cao?


Liêm Nguyễn lược dịch theo The Diplomat


Một buổi sáng mùa đông gió nhẹ ở một vùng quê gần Hội An. Tôi khom lưng cắm từng bó mạ xanh mướt vào mảnh đất bùn đặc dùng để trồng lúa. Tôi đang học trồng lúa theo cách truyền thống, một phương thức được sử dụng phổ biến trước khi máy móc nông nghiệp ra đời, nhưng hiện vẫn đang được dùng rộng rãi trong nhiều tỉnh ở Việt Nam.
“Đây, Đây” Phạm Nhi, một bác nông dân chỉ cho tôi chỗ nào để cắm mạ vào.

Ruộng lúa Việt Nam
Gạo là thực phẩm chính ở Việt Nam trong hơn một ngàn năm. Ngày nay, chính quyền qui hoạch hơn 3.8 triệu hecta đất để trồng cây lương thực, tức gần một nửa tổng diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Hơn một phần ba tổng lượng thu hoạch là dành cho xuất khẩu. Việt Nam hiện là một trong ba nước đứng đầu về xuất khẩu gạo, cùng với Ấn độ và Thái Lan. Chỉ riêng năm ngoái, tổng thu nhập từ xuất khẩu gạo là khoảng 3 tỉ đô la.

Trung quốc là khách hàng chính, nhập khẩu khoảng 1/3 lượng gạo xuất của Việt Nam. Nhật cũng là một nước nhập khẩu gạo quan trọng trong vùng, nhưng phần lớn gạo mà Việt Nam sản xuất không đạt được những tiêu chuẩn gắt gao ở nước này. Vào năm 2008, Nhật đã dừng hoàn toàn việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam sau khi phát hiện những dư lượng lớn thuốc trừ sâu, nhưng khoảng 5 năm sau đó đã cho phép nhập trở lại khi 2 công ty ở đồng bằng sông Cửu long bắt đầu hợp tác với nông dân để bảo đảm gạo xuất đi đạt tiêu chuẩn của thị trường Nhật.

Thuốc trừ sâu không phải là vấn đề duy nhất đối với chất lượng gạo của Việt Nam. Trong khi Thái Lan trồng các loại gạo chất lượng cao như jasmine, mất cả năm để thu hoạch nhưng bù lại có thể bán với giá thành cao tại những thị trường cao cấp như Mỹ và Nhật, Việt Nam lại chọn phân khúc gạo chất lượng thấp nhưng lại mau cho thu hoạch. Thái Lan hiện cũng đang gặp khủng hoảng về gạo do nông dân không còn được hưởng chương trình phụ cấp bù lỗ mà thủ tướng Yingluck Shinawatra đã hứa. Sau khi cơ quan chống tham nhũng của Thái bắt đầu một cuộc điều tra nhắm vào chương trình phụ cấp này, Trung quốc đã huỷ một hợp đồng mua gạo với Thái Lan. Nhưng dường như Việt Nam sẽ khó mà tận dụng được cơ hội này để tăng lượng gạo xuất khẩu.

Tại sao Việt Nam không thể trồng được gạo chất lượng cao? Mảnh ruộng nhỏ bé của bác Nhi cho ta một vài gợi ý.

“Một vấn đề nan giải mà ngành gạo của Việt Nam phải đối mặt là việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ” – Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược Nông Nghiệp cho biết – “Nó dẫn tới những khó khăn trong quản lý sau thu họạch, ví dụ như việc lưu trữ hay chà sát, từ đó làm cho gạo giảm chất lượng.”

Điều này cũng làm cho việc kiểm tra chất lượng gạo một cách đồng bộ trở nên khó khăn, ví dụ như việc đo lượng thuốc trừ sâu chẳng hạn. Nhiều nông dân Việt Nam vẫn thu hoạch bằng tay, mà nếu có dùng máy thì cũng chỉ là những máy móc nhỏ thô sơ với khả năng giới hạn. Và trong khi các nước công nghiệp phát triển hơn dùng máy xấy để làm khô, người nông dân Việt Nam vẫn dùng ánh nắng mặt trời để phơi lúa, dẫn tới thất thoát sau thu hoạch rất lớn.

“Người nông dân thường phơi lúa trên đường hay trong vườn, nên nếu gặp mưa thì thóc sẽ hư ngay” – Phong nói.

Một chiến lược mà chính quyền đang theo đuổi để giải quyết vấn đề về qui mô sản xuất là khuyến khích nông dân thành lập các hợp tác xã kiểu mới. Cách làm nông nghiệp kiểu sản xuất nhỏ ở Việt Nam đã bắt đầu từ thời Pháp thuộc, nhưng từ những năm 1930 cho đến 1980, chính quyền cộng sản đã gom nông dân vào những “hợp tác xã sản xuất XHCN” nhằm mục đích phá tư sản về ruộng đất. Những hợp tác xã kiểu đó đã hoàn toàn thất bại, không như những gì mà đảng cộng sản trước đó đã hứa.

Luật hợp tác xã kiểu mới ra đời năm 2012 có vẻ hiệu quả hơn. Bộ luật này chính thức công nhận các hội đoàn của nông dân như những công ty, giúp nông dân có được tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn. Điều này sẽ giúp nông dân có thể mua máy móc để tăng năng xuất lao động. Về lý thuyết, nó cũng sẽ cho phép họ bán thẳng sản phẩm mà không phải qua trung gian.

Tuy trên giấy tờ, chính sách này nghe rất hay, nhưng trong thực tế nó cho thấy những bất cập.

“Cho dù một người nông dân đã học xong trung học hay thậm chí đại học, họ cũng không có kiến thức về quản trị kinh doanh. Họ không thể soạn thảo hợp đồng hay biết cách khai thuế” – Phong giải thích.

Những vướng mắc này, cũng như những vấn đề về quản lý chất lượng sản phẩm, có thể được giải quyết bằng mô hình sản xuất “nông nghiệp theo hợp đồng” được ra đời gần đây. Trong kiểu mẫu “cánh đồng màu lớn” đang được thử nghiệm bởi Công ty Bảo vệ Thực Vật An Giang (An Giang Plan Protection Company - AGPPS), công ty này đã ký hợp đồng với những hộ nông dân trồng lúa cá thể để hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo chất lượng sản phẩm, kiêm luôn việc thu mua và xuất khẩu gạo.

Công ty Bảo vệ Thực Vật An Giang cũng khởi động một công ty con với 23 nhân viên chuyên bán thuốc trừ sâu cho nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu long. Qua việc hướng dẫn sử dụng thuốc, họ cũng nắm lấy cơ hội để mở rộng việc kinh doanh phân phối thuốc trừ sâu. Chỉ trong vài năm qua, Công ty Bảo vệ Thực Vật An Giang không những đã trở thành nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất nước, mà còn là một đại gia xuất khẩu gạo. Công ty Bảo vệ Thực Vật An Giang và Công ty Xuất Nhập Khẩu An Giang là 2 công ty Việt Nam duy nhất giành được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Nhật, sau khi thuyết phục được quốc gia Đông Á là họ có đủ khả năng kỹ thuật để kiểm soát lượng thuốc trừ sâu trong gạo.

Thành công của mô hình nông nghiệp theo hợp đồng đã khuyến khích các công ty khác, ví dụ như công ty xuất nhập khẩu Vo Thi Thu Ha hay công ty sản xuất thức ăn gia súc Agrimex, đi theo chiến lược này. Một vài doanh nghiệp của Nhật cũng đã ký các hợp đồng tương tự với nông dân trồng lúa của Việt Nam.

Cũng như nông dân Việt Nam, những nông dân sản xuất nhỏ ở các vùng nông thôn của Nhật cũng đang gặp khó khăn. Một nông dân ở Niigata nói với New York Times rằng nhiều nông dân trong vùng “gần như bỏ hoang những mảnh đất nhỏ của họ”. Trong hoàn cảnh chính phủ của thủ tướng Abe sắp dừng chương trình phụ cấp lúa gạo cho nông dân để công nghiệp hoá nông nghiệp, thí nghiệm với mô hình nông nghiệp theo hợp đồng trồng lúa ở Việt Nam sẽ cung cấp cho các công ty Nhật những giải pháp để giảm giá thành sản xuất.

Nhưng khi các công ty Nhật đang xem xét việc trồng lúa ở Việt Nam, thì nông dân Việt Nam có thể lại đang chuyển sang trồng những loại hoa màu khác. Mức tiêu thụ gạo đã liên tục giảm trong thời gian gần đây trong khi lượng gạo dự trữ tăng. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn hiện đang thảo luận để chuyển 200 hecta đất trồng lúa có năng suất thấp sang trồng bắp. (Theo luật hiện hành, đất đai đăng ký trồng lúa không được tự ý chuyển sang trồng các cây hoa màu khác, nhằm giữ ổn định quĩ sử dụng đất). Sự thay đổi này là nhằm phục vụ cho nhu cầu đang gia tăng của ngành chăn nuôi, hiện đang phải nhập bắp với giá cao.

Việc chuyển sang trồng bắp có thể cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân. Với gia đình bác Nhi, cũng như 9.5 triệu hộ gia đình khác đang sống bằng nghề trồng lúa, công lao động bỏ ra nhiều mà lợi nhuận thì lại quá thấp. Thu nhập của người nông dân trồng lúa khoảng 1 triệu đồng (~50 đô Mỹ) một tháng, ít hơn nhiều so với người trồng cà phê hay tiêu, hay làm những nghề nghiệp khác. Ngay tại đồng bằng sông Cửu long, nơi sản xuất 95% lượng gạo xuất khẩu, ngày càng nhiều thanh niên bỏ ruộng đồng của gia đình để đi làm những công việc có thu nhập khá hơn ở thành phố hay các khu công nghiệp.

“Chính quyền vẫn xem lúa là cây lương thực trọng tâm, nên họ đầu tư rất nhiều vào lúa. Nhưng hầu hết những trợ cấp đó không đến được với nông dân mà lại rơi vào tay những kẻ đầu nậu. Nông dân là người được lợi ít nhất và thỉnh thoảng thậm chí còn thua lỗ”- Eduardo Sabio, đại diện của VECO tại Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lãnh vực nông nghiệp bền vững (sustainable agriculture), cho biết. “Người nông dân có thu nhập rất thấp. Giá bán lúa lại bị kiểm soát và ấn định bởi nhà nước, diện tích đất họ được sở hữu quá nhỏ bé mà chất lượng lại kém nữa. Lên thành phố để làm việc, họ kiếm được nhiều tiền hơn”.

Trong khi nhiều hộ nông dân rời bỏ đồng ruộng, bác Nhi xoay sang một nguồn thu nhập mới: du lịch. Năm ngoái, bác này đã chuyển nửa khoảnh ruộng của mình thành nơi dạy du khách trồng lúa trong tour “Du Lịch Lúa Nước”.

“Chúng tôi muốn cho du khách thấy đời sống người nông dân cực khổ thế nào”, Jack Trần, hướng dẫn viên tour du lịch này thuộc Công ty Du lịch Sinh thái Hội An, cho biết như vậy.
Tây học làm ruộng.

Anh Trần là người cùng làng với bác Nhi, nhưng đã học về du lịch sinh thái tại trường đại học Đà Nẵng, thành phố lớn nhất ở miền Trung Việt Nam. Anh Trần tổ chức tour “Du Lịch Lúa Nước” với mong muốn mang lợi ích kinh tế du lịch về cho nông dân trong làng. Với 50 đô một người, tức bằng thu nhập trung bình một tháng của nông dân trồng lúa, du khách Mỹ, châu Âu, và cả Việt Nam được học cách trồng lúa trong một buổi sáng, từ cày bừa đất đến gieo hạt. Tham gia vào tour “Du Lịch Lúa Nước” này giúp thu nhập nhà bác Nhi tăng khoảng 10 lần.

Dẫn con trâu đi vòng vòng xung quanh mảnh ruộng, với bà vợ đi sau để giữ cái cày, du khách người Đức Volker Werner quá ngạc nhiên khi biết với công sức lao động bỏ ra như thế mà chỉ thu được một ít thóc. “Đây là công việc toàn thời gian hả? Họ làm mỗi ngày à?” ông tròn mắt hỏi.

Với một con trâu thi phải mất vài ngày để cày hết mảnh ruộng nhỏ này, trong khi với một máy cày thì chỉ một loáng là xong. Trần nói với chúng tôi: Ở nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu long, các bạn sẽ không còn thấy trâu nữa đâu, chỉ có máy thôi. Mặc dù điều này có thể là một bước tiến nhanh cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, anh Trần không tỏ ra lạc quan về tác động của nó lên xã hội.

“Càng công nghiệp hoá, chúng tôi càng mất dần truyền thống văn hoá” anh Trần nói.