Translate

17 thg 6, 2014

Chiến lược của Việt Nam trong Tranh Chấp Biển Đông - Nhìn từ Thái Lan


Liêm Nguyễn lược dịch theo The Straits Times 
Bài đăng trên Quê ChoaCalitoday


Hà nội nỗ lực sử dụng vai trò của ASIAN

Trước khi gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995, Việt Nam đã cử một nhóm tìm hiểu thực tế đứng đầu là cựu thứ trưởng ngoại giao Vũ Khoan đến Jakarta để gặp ban Thư ký ASEAN, để xem xét tư cách hội viên của Việt Nam cũng như tác động của nó lên mối quan hệ ASEAN-Trung quốc. Nhóm nghiên cứu này của Việt Nam muốn biết ASEAN sẽ làm được gì để bảo vệ các thành viên của mình trước các sức mạnh bên ngoài. Nhóm của Việt Nam được cho biết rằng ASEAN sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ các quốc gia thành viên. Sau gần hai thập kỷ làm thành viên, Việt Nam đang chứng thực các lời hứa về sức mạnh tập thể của ASIAN.

CSB VN quan sát 1 tàu hải cảnh TQ trên Biển Đông ngày 15/5.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mới nhất tại Myanmar vào tháng trước, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ban hành một tuyên bố chung bày tỏ sự "lo ngại nghiêm trọng" với những sự cố gần đây ở Biển Đông. Mặc dù tuyên bố trên không chỉ rõ tên Trung quốc hoặc đề cập đến một đảo tranh chấp chuyên biệt nào, nó được đưa ra trong bối cảnh Philippines vừa bắt 11 ngư dân Trung Quốc vì săn trộm rùa biển trong bãi cạn gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, cũng như việc Trung Quốc mang một giàn khoan dầu đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.

Đây là lần thứ hai ASEAN đã ra một tuyên bố như vậy kể từ khi Myanmar giữ chức chủ tịch ASEAN từ 5 tháng trước. Tuyên bố đầu tiên được đưa ra trong Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng Giêng. ASIAN được dự kiến sẽ đưa ra nhiều tuyên bố nữa để kêu gọi tất cả các bên phải tự kiềm chế và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế ​​trong nửa cuối năm nay.

Trong nhiều năm qua, ASEAN đã tránh tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông để duy trì tính trung lập của nó. Bốn trong số các thành viên ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có đòi hỏi lãnh thổ chồng lấn với Trung Quốc.

Theo quan điểm của Việt Nam, ASEAN đã có được một bước tiến quan trọng trong việc khắc phục các rào cản tâm lý của các thập niên trước để có thể đưa ra những tuyên bố về quan điểm chung của tổ chức này về vấn đề Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã xác định rằng họ sẽ không để lặp lại thất bại của năm 2012 tại Cambodia khi các bộ trưởng ngoại giao của nhóm không đưa ra được bất kỳ một thông cáo chung nào do sự khác biệt quan điểm trong việc đề cập đến các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.

Trong suốt lịch sử của ASEAN, bất cứ khi nào có các mối đe dọa bên ngoài hoặc các cuộc khủng hoảng, các thành viên đã cùng nhau hành động. Động thái gần đây của Trung quốc ở Biển Đông đã thúc đẩy các quốc gia ASEAN đến với nhau để có chung một giọng nói.

Ngoài ra cũng cần tính tới một sự thay đổi quan điểm khá tinh tế nhưng lại quan trọng của Indonesia. Nước này đang chuyển dần từ vai trò truyền thống như là một điều phối viên thành một thành viên năng động hơn trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Trong những tháng gần đây, Jakarta đã trở nên một đối trọng cho những quyết đoán của Bắc Kinh. Ví dụ như, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á duy nhất nói thẳng với Bắc Kinh hồi đầu năm nay rằng Jakarta sẽ không chấp nhận nếu Trung quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Cần nhắc lại là Trung quốc đã lập một ADIZ trên biển Hoa Đông hồi cuối tháng 11 năm ngoái.

Những bình luận của Hà Nội, và các tuyên bố mà Việt Nam đưa ra thông qua các đại sứ quán của mình trong ASEAN, cho thấy Việt Nam đang theo đuổi một chiến lược chuyên biệt trong việc đối phó với Trung quốc trong các tranh chấp trên biển.

Đầu tiên, và quan trọng nhất, là việc Việt Nam đã thực hiện mọi nỗ lực để tối đa hóa vai trò của ASEAN. Việt Nam coi ASEAN như một công cụ hiệu quả trong việc đối phó với các nước lớn. Thật vậy, Việt Nam đã gia nhập ASEAN chỉ ba tháng sau khi tổ chức này đưa ra thông cáo chung đầu tiên với ngôn từ mạnh mẽ để phản đối sự chiếm đóng của Trung quốc trên đảo Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa. Điều này giúp giải thích tại sao Việt Nam đã không làm theo cách hiện nay của chính phủ Philippines, khi nước này cho rằng ASEAN sẽ không thể giúp được gì nhiều trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung quốc.

Trở về năm 1992, Philippines khi đó là quốc gia đầu tàu của ASIAN trong việc thúc đẩy cho việc ban hành các nguyên tắc ứng xử đầu tiên ở Biển Đông, được biết đến như “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông”. Tuy nhiên, với chính quyền Aquino hiện nay, Manila đã không còn quan tâm đến các bạn bè trong ASEAN nữa. Chẳng hạn như, Philippines đã không tham khảo ý kiến ​​các nước ASEAN về quyết định của mình trong việc đưa các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ra trọng tài quốc tế.
Việt Nam, mặt khác, có thể sẽ tiếp tục tập trung vào sự đoàn kết và hỗ trợ của ASEAN trong bối cảnh Trung quốc và các nước ASEAN đang chuẩn bị cho các vòng tiếp theo để thảo luận về các quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Các cuộc thảo luận đã được lên lịch vào ngày 24 và 25 tháng 6 tại Bali.

Dương khiết Trì sẽ gặp lãnh đạo VN tại Hà nội ngày 18/6
Thực ra Hà Nội cũng đã chỉ ra rằng, họ có thể xem xét việc đưa tranh chấp với Trung quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc. Nhưng có lẽ điều này sẽ không xảy ra trong thời gian gần sắp tới.

Rõ ràng, đây là một bước đi mang tính chiến thuật. Cả Việt Nam và Trung quốc chia sẻ quan điểm là việc sử dụng các cơ chế của Liên hợp quốc phải là phương sách cuối cùng. Đó là lý do tại sao cả hai bên đều không muốn chấp nhận đề nghị của chủ tịch Liên hiệp quốc Ban Ki Moon để đóng vai trò trung gian giải quyết các tranh chấp. Sau cùng thì, các nhà lãnh đạo của 2 đảng cộng sản anh em của Việt Nam và Trung quốc vẫn chưa gặp mặt nhau để thảo luận về vấn đề này. Các cuộc đối thoại của họ cho đến nay vẫn diễn ra ở mức thấp.

Một chiến lược khác của Việt Nam là tăng cường hợp tác với các nước khác, để làm tăng vị thế quốc tế và khả năng thương lượng tay đôi với Trung quốc. Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đang đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam và đã cam kết sẽ cung cấp một số tàu tuần tra cho Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam cũng đã trở thành một đối tác toàn diện của Hoa Kỳ.

Việt Nam vẫn rất thận trọng trong các bình luận về việc mở rộng liên kết chiến lược với Hoa Kỳ và Nhật Bản; vì họ biết rõ sự nguy hiểm trong việc cường điệu tầm quan trọng của các mối quan hệ chiến lược kiểu này. Rất có thể là, Việt Nam vẫn chưa đạt được sự đồng thuận ở cấp cao nhất trong cách tiếp cận chính trị thực dụng này. Có những nhóm trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện vẫn muốn duy trì quan hệ như hiện nay với Trung quốc.