Liêm Nguyễn dịch từ The Economist
Bài đăng trên Quê Choa
Quan hệ đồng chí càng ngày càng trở nên tệ hại
Việt Nam và Trung quốc có một lịch sử hàng ngàn năm đầy những thù hận - và những xoay xở để hàn gắn sau mỗi lần xung đột. Nhưng những bất đồng hiện nay sẽ không hề dễ dàng.
Đầu tháng 5 này, Việt Nam sửng sốt khi Trung quốc mang một giàn khoan dầu khổng lồ trị giá 1 tỷ USD vào đặt ngay trước sân nhà mình. Giàn khoan này nằm cách quần đảo Hoàng Sa mà Trung quốc chiếm của miền Nam Việt Nam vào 1974 khoảng 17 hải lý và cách bờ biển Việt Nam khoảng 150 hải lý. Lãnh đạo Việt Nam nói vị trí của giàn khoan nằm trong trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của họ theo luật pháp quốc tế. Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng thông qua thương lượng. Nhưng Trung quốc đã từ chối các cuộc gặp mặt cấp cao, trong khi những cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp thấp chẳng đi tới đâu.
Giờ thì hy vọng để có một giải pháp êm thắm dường như là điều xa vời. Trong khi tàu thuyền của hai nước quần nhau ở khu vực gần giàn khoan, các nhà ngoại giao của hai bên đang kiện cáo nhau lên Liên Hợp Quốc. Đây được xem là một động thái bất thường của Trung quốc, vì từ trước tới giờ nước này thường né tránh các tổ chức quốc tế trong các tranh chấp với nước khác. Tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng, một tờ báo có trụ sở tại Hồng Kông, tường thuật vào ngày 9/6 rằng Trung quốc đã tạm thời cấm các công ty nhà nước tham gia đấu thầu các hợp đồng mới tại Việt Nam. Sự kiện này tiếp theo hai ngày bạo loạn bài Hoa tại Việt Nam vào giữa tháng 5 trong đó bốn công nhân Trung quốc thiệt mạng, và một vụ chìm tàu, khi một tàu gỗ của ngư dân Việt Nam va chạm với một tàu Trung quốc [LN: ở đây báo The Economist viết theo diễn giải vô lý của Trung quốc].
Những va chạm này được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 1979, khi Việt Nam đã cho Trung quốc nếm mùi đau thương [LN: nguyên văn “đã làm cho Trung quốc chảy máu mũi”] trong một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vào ngày 21/5 cho biết Việt Nam có thể sẽ làm theo cách của Philippines: thách thức tuyên bố chủ quyền Biển Đông Nam Á của Trung quốc ra một tòa án quốc tế.
Trong khi tuyên bố này làm cho ông Dũng được khen ngợi nhiều trong nước, nó cũng khá mạo hiểm. Sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung quốc. Hơn nữa, phe thân Trung quốc trong đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn còn rất mạnh và nhóm này luôn xem những cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ với con mắt đầy ngờ vực.
Có thể đoán được là rồi Trung quốc sẽ rút giàn khoan vào giữa tháng 8 như kế hoạch. Nhưng câu hỏi “ai sở hữu cái gì” ở biển Đông Nam Á sẽ khó được phân định trong thời gian sắp tới. Trong khi chờ đợi, Việt Nam sẽ phải đối đầu với những khó khăn kinh tế ngắn hạn. Ngân hàng HSBC cho biết tăng trưởng trong sản xuất giảm nhẹ trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5. Đầu tư nước ngoài đang giúp chống đỡ cho nền kinh tế; ông Dũng đang cố thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam vẫn là một nơi tốt để đầu tư. Nhưng cuộc bạo động chết người và sự bế tắc với Trung quốc sẽ gây cho ông nhiều khó khăn trong công việc này.