Translate

20 thg 5, 2015

Dùng Kháng Sinh Thay Phẫu Thuật Trong Chữa Trị Viêm Ruột Thừa

Gina Colata
Liem Nguyen lược dịch theo The New York Times

(Đăng lại xin trích dẫn nguồn: http://drliemnguyen.blogspot.com/2015/05/dung-khang-sinh-thay-phau-thuat-trong.html)

Mỗi năm trung bình ở Mỹ có khoảng 300.000 ca phẫu thuật cấp cứu để chữa chứng đau viêm ruột thừa. Chúng ta thường nghĩ là nếu khúc ruột thừa bị viêm không được cắt bỏ ngay, nó sẽ vỡ ra, và hậu quả là bệnh nhân có thể tử vong.

Nhưng nay thì các bác sĩ có thêm một chọn lựa: đó là dùng thuốc kháng sinh.

Năm công trình nghiên cứu với qui mô nhỏ ở châu Âu trên khoảng 1.000 bệnh nhân cho thấy kháng sinh có tác dụng tốt với một số bệnh nhân viêm ruột thừa. Khoảng 70% bệnh nhân dùng kháng sinh hoàn toàn bình phục, không cần phẫu thuật nữa. Với những bệnh nhân mà liệu pháp kháng sinh không có tác dụng, tức là sau đó vẫn phải dùng phẫu thuật để cắt bỏ, họ cũng không gặp phải biến chứng nào so với những người được chữa ngay bằng phẫu thuật.
Thuỷ thủ tàu ngầm trong Chiến tranh Lạnh.
"Những nghiên cứu này cho thấy kháng sinh có thể chữa viêm ruột thừa ở nhiều bệnh nhân", bác sỹ David Talan, chuyên khoa cấp cứu và bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở Los Angeles cho biết. "Ít nhất bạn cũng có cơ hội để tránh khỏi phải bị mổ."

Bác sỹ Talan và các nhà nghiên cứu khác đang có kế hoạch thử nghiệm lâm sàng lớn hơn để so sánh bệnh nhân viêm ruột thừa chữa bằng kháng sinh hay bằng phẫu thuật. Để chuẩn bị, bác sỹ Talan và đồng nghiệp của ông là David Flum, một bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Washington, trong năm ngoái đã thực hiện việc khảo sát liệu bệnh nhân có sẵn sàng tham gia việc thử nghiệm liệu pháp mới. Gần một nửa số người được hỏi nói họ sẽ đồng ý. Trong một cuộc cuộc khảo sát khác, gần 3/4 những người đã mổ cắt ruột thừa nói rằng nếu như trước khi mổ mà được lựa chọn có lẽ họ đã muốn thử dùng thuốc kháng sinh trước.

Ý tưởng chữa viêm ruột thừa bằng kháng sinh đang đi ngược lại một phương pháp y học đã có truyền thống từ rất lâu đời. Phẫu thuật điều trị viêm ruột thừa bắt đầu từ tận những năm 1880, khi mà bản thân việc phẫu thuật trên người đã là một điều gì đó còn mới mẻ. Các bác sĩ luôn phải vật lộn trong việc xác định bệnh nhân nào cần phẫu thuật, bởi vì lúc đó phương pháp này còn rất nguy hiểm cho tính mạng, trong khi họ biết là với một số bệnh nhân, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần phẫu thuật.

Tuy nhiên khi việc phẫu thuật và các phương pháp gây mê được cải thiện, mổ cắt ruột thừa đã trở thành lựa chọn số một cho việc điều trị. Với suy nghĩ của y học ngày đó thì điều này hoàn toàn hợp lý.

Bác sỹ David Flum.
Trong nhiều năm qua, các bác sỹ nghĩ rằng ruột thừa - một khúc ruột bé tí hình giống như con sâu nằm treo ra phía bên phải của đại tràng - thường bị viêm khi nó bị nghẽn bởi một mảnh phân cứng. Thật ra thì ở phần lớn những người bị viêm ruột thừa, không hề có hiện tượng nghẽn như vậy. "Không ai biết nguyên nhân gây viêm ruột thừa", bác sỹ James Barone, cựu trưởng bộ môn phẫu thuật tại Bệnh viện Stamford, Connecticut và Bệnh viện Lincoln ở Bronx cho biết.

Và viêm ruột thừa cũng không phải là một quả bom hẹn giờ như mọi người vẫn nghĩ. Việc thủng ruột thừa thật sự chỉ xảy ra ở 15-25% bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu cho rằng những bệnh nhân này có thể mẫn cảm khác thường với phản ứng miễn dịch hoặc bị nhiễm một loại vi khuẩn đặc thù nào đó. Ở những bệnh nhân khác, chứng viêm ruột thừa sẽ tự lành mà không cần chữa trị.

Cũng không nhất thiết là thời gian bị viêm có liên quan đến nguy cơ bị thủng ruột thừa. Hầu hết các trường hợp vỡ ruột thừa đều xảy ra trước khi bệnh nhân đến được tới phòng cấp cứu.

Thực ra không phải đây là lần đầu tiên thuốc kháng sinh được xem xét như một liệu pháp thay thế cho phẫu thuật cắt ruột thừa. Khi kháng sinh trở nên phổ biến vào những năm 1940 và 1950, các bác sĩ ở Anh đã bắt đầu cho bệnh nhân viêm ruột thừa dùng kháng sinh, với kết quả rất khích lệ. Trong Chiến tranh Lạnh, khi các thủy thủ Mỹ phải sống tới 6 tháng hoặc lâu hơn dưới mặt nước, trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân không được phép trồi lên bề mặt, những người bị viêm ruột thừa cũng đã được chữa bằng kháng sinh. "Việc chữa viêm ruột thừa cho những thủy thủ tàu ngầm đã có kết quả rất tốt, không có trường hợp tử vong hoặc biến chứng nào" Bác sỹ Flum nói.

Nhưng những điều đó đã không làm thay đổi quan niệm cho rằng phẫu thuật là lựa chọn số một cho việc điều trị viêm ruột thừa. Năm 1961, một bác sỹ người Nga làm việc ở Nam Cực tên là Leonid Rogozov đã thậm chí tự cắt ruột thừa của mình khi nó bị viêm. "Tôi đã làm điều đó bằng cách dò tìm bằng tay. Tôi bị chảy máu nhiều, nhưng tôi cứ cố tìm" Ông viết trong nhật ký của mình như vậy. "Mỗi lúc tôi một yếu đi, đầu óc tôi bắt đầu quay... Nhưng cuối cùng, đây nó đây rồi, cái ruột thừa khốn kiếp”.

Các kế hoạch thử nghiệm lâm sàng việc dùng kháng sinh thay thế phẫu thuật hiện nay là nhằm trả lời cho những câu hỏi quan trọng sau: Liệu pháp kháng sinh có hiệu quả như phẫu thuật cắt ruột thừa không? Có làm giảm chi phí chữa trị, mà không cần phải nhập viện sau đó? Viêm ruột thừa có tái phát thường xuyên sau khi được điều trị bằng kháng sinh? Những bệnh nhân được điều trị thành công bằng kháng sinh có phải chạy ngay đến phòng cấp cứu mỗi khi họ cảm thấy đau bụng không?

Thậm chí phác đồ điều trị như thế nào cũng chưa rõ. Trong các thử nghiệm ở châu Âu, bệnh nhân được truyền thuốc qua tĩnh mạch 1-2 ngày trong bệnh viện, sau đó về nhà uống thuốc viên trong một tuần. Nhưng bác sỹ Talan cho biết, hiện nay đã có những loại kháng sinh dạng tiêm có tác dụng dài hạn, cho phép bệnh nhân đến gặp bác sĩ trong một vài ngày, sau đó về nhà uống thuốc tiếp, không cần nhập viện.

Đã có những tranh luận trong giới y học về việc có nên nói cho bệnh nhân biết về lựa chọn dùng kháng sinh không, và đối tượng là các bệnh nhân nào. Giana Davidson, bác sĩ phẫu thuật đa khoa thuộc Đại học Washington, nói bà sẽ chỉ thảo luận với những bệnh nhân chủ động hỏi về lựa chọn này, và bản thân bà vẫn cảm thấy e dè với việc dùng kháng sinh. "Chúng ta hiện không có câu trả lời cho những câu hỏi xác đáng của bệnh nhân, ví dụ như xác suất bị viêm lại có cao không? Khi tôi lại bị đau bụng, làm sao để biết có nên chạy ngay tới bệnh viện?" bác sỹ Davidson nói. "Tôi cảm thấy do dự khi không dùng phương pháp phẫu thuật nữa. Vì nó thực ra chỉ mất 30 phút thôi nhưng sẽ chữa hẳn hoàn toàn căn bệnh cho bệnh nhân" bà nói thêm.
 
Bác sỹ Philip S. Barie, tổng biên tập tạp chí “Nhiễm Trùng Trong Phẫu Thuật” và là một giáo sư về phẫu thuật tại Weill Cornell Medical College, cũng không thường xuyên đề cập liệu pháp kháng sinh với bệnh nhân. Ông nói là ông muốn thấy kết quả từ một cuộc thử nghiệm lâm sàng cấp quốc gia trước đã. Còn bây giờ, ông nói, "Tôi sẽ không xem nó như một lựa chọn tương đương để thảo luận với bệnh nhân".

Bệnh nhân Richard Redelfs.
Nhưng nhiều bệnh nhân giờ cũng bắt đầu biết về liệu pháp này. Mấy năm trước, Richard Redelfs, một nhà quản lý 40 tuổi của hiệp hội chủ nhà tại Edmonds, Wash., thức dậy vào một buổi sáng với cơn đau bụng. Một bác sĩ ở phòng cấp cứu nói với Redelfs là anh ta cần được phẫu thuật ngay để cắt ruột thừa. Nhưng Redelfs không có bảo hiểm y tế. Anh nói với bác sỹ phẫu thuật là anh đã đọc trên mạng là kháng sinh có thể chữa được chứng viêm ruột thừa. "Khi bác sỹ biết tôi không có bảo hiểm y tế, sẽ dễ dàng để thuyết phục họ kê toa thuốc kháng sinh". Redelfs cảm thấy bớt đau ngay sau khi uống kháng sinh. Nhưng 6 tháng sau, anh lại bị một cơn đau bụng dữ dội và phải quay lại bệnh viện. Lúc này, anh đã có bảo hiểm. Khi bác sỹ nói Redelfs bị viêm ruột thừa tái phát, anh đã chọn phẫu thuật. "Tôi muốn làm thế cho yên tâm" Redelfs nói.