Translate

14 thg 5, 2015

Đại hội Đảng 2016 sẽ là Thời điểm cho Thay đổi trong Chính trường Việt Nam?


Alexander L. Vuving
Liem Nguyen lược dịch theo East Asia Forum

Trong năm 2016, Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam (ĐCSVN) sẽ triệu tập Đại hội lần thứ 12 để chọn các nhà lãnh đạo mới cho đảng và cho đất nước. Với các nhà lãnh đạo mới sẽ có các chính sách mới, thế nhưng những người hy vọng cho cái gọi là “đổi mới lần 2” nhiều khả năng sẽ bị thất vọng. Mọi sự thay đổi nếu có sẽ không đủ để biến Việt Nam thành một con hổ mới ở châu Á.

Nghịch lý là, cái được gọi là thời kỳ đổi mới ở Việt Nam thực ra không phải là giai đoạn mà trong đó việc cải cách là điều ưu tiên. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu vào cuối những năm 1980 là một kinh nghiệm đau thương, và nó định hình nhãn quang chiến lược cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong nhiều thập niên sau đó. Kết quả là, những nét chủ đạo trong công cuộc đổi mới thực ra không phải nhằm để cải cách mà mục đích cao nhất là ổn định.

Mỗi khi bị bắt buộc phải lựa chọn giữa thay đổi hay giữ nguyên, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn chọn “giữ nguyên nhưng cộng thêm”, nhưng việc “cộng thêm” sẽ luôn bị giới hạn ở mức tối thiểu. Mặc dù các cam kết cải cách luôn được nhắc tới mỗi khi Đảng Cộng sản triệu tập Đại hội toàn quốc, đảng luôn chọn một người bảo thủ để giữ chức Tổng bí thư và cũng là vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước.


Chế độ cộng sản ở Việt Nam đã thực hành một cách có hệ thống các biện pháp nhằm duy trì quyền lực. Các biện pháp này bao gồm việc cho phép quân đội, an ninh, và cảnh sát có các đặc quyền về tài chính và hoạt động. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng luôn tìm kiếm một liên minh chiến lược với Trung Quốc để đảm bảo một sự hỗ trợ từ bên ngoài cho chế độ.

Một chính sách nữa là họ luôn đưa các “hạt giống đỏ" vào các vị trí lãnh đạo. Những trường hợp cụ thể, như con của cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh và con của Thủ tướng đương thời Nguyễn Tấn Dũng hiện là những thành viên trẻ bất thường của Ủy ban Trung ương Đảng, là những chỉ dấu cho một hiện tượng chung đang xảy ra ở tất cả mọi cấp bậc.

Mặc dù những điều này dẫn đến sự cản trở mang tính cơ cấu cho sự thay đổi, ba thập kỷ “đổi mới” cũng đã tạo ra một môi trường đòi hỏi phải có sự thay đổi. Tâm lý người dân trong nước rõ ràng là họ thích một hệ thống thị trường tự do và một liên minh an ninh với phương Tây. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành vào năm 2014 cho thấy 95% dân số Việt Nam ủng hộ thị trường tự do. Trong một cuộc khảo sát khác của Pew cũng vào năm 2014, khi được hỏi quốc gia nào sẽ là đồng minh đáng tin cậy nhất của Việt Nam trong tương lai, 30% số người được hỏi nói đó là Hoa Kỳ, 25% tin vào Nga và 15% nghĩ đó là Nhật.

Thập niên vừa qua cũng cho thấy sự trưởng thành của một xã hội dân sự mặc dù Luật Lập Hội, một thiết chế để điều tiết các nhóm xã hội dân sự, vẫn còn chưa được ra đời sau 23 năm soạn thảo. Nhờ có các phương tiện truyền thông xã hội, mọi người giờ đây có thể thiết lập mạng lưới xã hội, chia sẻ ý tưởng, có tiếng nói của mình, và phối hợp hành động mà chính quyền khó có thể kiểm soát. Bằng chứng cho việc này là các cuộc biểu tình gần đây chống lại một kế hoạch chặt cây của chính quyền Hà Nội, được thúc đẩy bởi nhà báo Trần Đăng Tuấn. “Sức mạnh blogger" ngày càng lớn mạnh là tiếng nói, mà nếu chính quyền cố tình làm ngơ, họ sẽ phải trả giá.

Đan xen một phần với sự nổi lên của xã hội dân sự là sự trở lại của chủ nghĩa yêu nước, mà trong hình thức hiện nay là xu hướng chống Trung Quốc và thân phương Tây. Bị ức chế trong suốt các năm 1990 và 2000, tình cảm dân tộc này đã được hồi sinh bởi những xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian gần đây, chính tinh thần dân tộc này đã gây áp lực lớn buộc chính quyền phải tách ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc.

Áp lực phải thay đổi cũng đến từ nền kinh tế. Mặc dù tốc độ phát triển ở khoảng 5-6% một năm, nền kinh tế Việt Nam trì trệ về mặt chất lượng. Như một chỉ số về cải cách thể chế và đổi mới công nghệ, năng suất tổng hợp (total factor productivity - TFP) chỉ đóng góp 6,4% vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2007-2012.

Với áp lực phải thay đổi ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo buộc phải hành động. Nhưng thay vì tập trung cải cách sâu rộng như những gì mà giới trí thức liên tục kêu gọi, những kẻ cầm quyền ở Việt Nam đã chọn một con đường khác.

Sự pha trộn giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ đổi mới đã dẫn tới vấn nạn rent-seeking, tức việc sử dụng quyền lực để kiếm tiền và dùng tiền để mua quyền lực. Đến năm 2006, những kẻ trục lợi (nhóm lợi ích / rent-seekers) như thế đã trở thành nhóm nắm quyền lực trong giới lãnh đạo cấp cao và Trung ương Đảng. Nhờ thế, họ đã có thể ngăn cản các chiến dịch chống tham nhũng của tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng, và cứu nguy cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi bị lật đổ.

Đồng thời với việc chống cải cách, các nhóm lợi ích cũng đủ mềm dẻo để tác động lên chế độ cho phù hợp với lợi ích của họ. Tham vọng chính trị và sự ganh đua nội bộ sẽ là những yếu tố khó tiên đoán nhất trong thời gian trước Đại hội Đảng 12 và trong những năm tới.