Translate

9 thg 5, 2015

Những Toan Tính của Trung Quốc ở Biển Đông Từ 41 Năm Qua Sẽ Thất Bại

Leszek Buszynski
Liem Nguyen lược dịch theo The National Interest
Mặc dù chúng ta chỉ cảm thấy sốc và ngạc nhiên với những động thái hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, hành vi của nước này thực ra khá liên tục trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Lần đầu tiên Trung Quốc dùng võ lực trong khu vực là vào tháng Giêng năm 1974 khi quân đội nước này cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ miền Nam Việt Nam. Rồi vào tháng Ba năm 1988, Hải quân Trung Quốc lại đụng độ với tàu Việt Nam để chiếm đoạt thêm 7 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa.  

Năm 1995, Trung Quốc chiếm luôn rạn đá Vành Khăn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Rồi họ bắt đầu xây dựng và gia cố các công trình xây dựng trên các rạn san hô lân cận. Tháng Tư năm 2012, Trung Quốc lại đụng độ với Philippines rồi lấy luôn bãi cạn Scarborough. Trung Quốc sau đó lại lăm le Bãi Cỏ Mây. Tháng Ba năm 2014, tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngăn cản tàu chở hàng Philippines tiếp tế cho nhóm thủy quân lục chiến đồn trú trên một xác tàu nằm ở đó.
Mỹ vào biển Đông.

Tháng Tư năm 2014, Trung Quốc lại mang giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng chủ quyền của Việt Nam. Việc này đã tạo ra những xung đột gay gắt với Việt Nam và những rắc rối chỉ được giải quyết khi cái giàn khoan này được mang đi trước thời hạn.

Từ cuối năm 2014, Trung Quốc đã khởi công những dự án cải tạo mở rộng ở 8 địa điểm thuộc quần đảo Trường Sa. Việc nạo vét ở đảo ngầm Chữ Thập là đặc biệt đáng quan tâm. Những tàu hút cát của Trung Quốc đã đổ những lượng cát khổng lồ lên rạn san hô, nâng độ cao của nó lên trên mực nước biển, để cho phép xây dựng một đường băng dài 3.000 mét dọc theo chiều dài của đảo. Sân bay này sẽ hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Với sự hỗ trợ không quân cho cảnh sát biển, Trung Quốc có thể đe dọa an ninh của Việt Nam và Philippines.

Với sự gia tăng hiện diện ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc hy vọng có thể áp đặt các giải pháp có lợi cho họ với các bên tranh chấp trong khối ASEAN. Điều đó có thể đưa tới một sự đầu hàng tự nguyện từ các nước ASEAN, và rồi họ sẽ phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên toàn Biển Đông. Bắc Kinh hy vọng có thể dụ dỗ các nước này bằng các mối quan hệ hữu hảo và các lợi ích thương mại và đầu tư thông qua các dự án cơ sở hạ tầng của cái Ngân hàng Đầu tư Châu Á (AIIB) mới được thành lập gần đây.

Mặc cho những áp lực mà Trung Quốc đang áp đặt lên các nước có tranh chấp trong khối ASEAN, có vẻ họ sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Lý do là chính những hành động của Trung Quốc đã dẫn tới sự can dự ngày càng gia tăng của các nước lớn vào các tranh chấp ở biển Đông. Cả Việt Nam và Philippines đã tìm đến Mỹ để hỗ trợ việc chống lại Trung Quốc.

Philippines và Mỹ có một lịch sử hợp tác quân sự lâu dài. Vào năm 1999, một Hiệp định Thăm viếng Quân sự đã được ký kết và vào tháng Tư năm 2014, khi Tổng thống Obama đến thăm Manila, Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao đã được hoàn thành. Thỏa thuận này cho phép Hải quân Mỹ tăng cường tiếp cận các hải cảng của Philippines và tạo điều kiện cho sự có mặt của quân nhân Mỹ thông qua các căn cứ quân sự và sân bay của họ ở đó.

Việt Nam cũng đã phát triển quan hệ an ninh với Mỹ trong thập kỷ qua, trong nỗ lực làm cân bằng trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Do bị giới hạn bởi sự gần gũi với Trung Quốc, Việt Nam sẽ không thể tạo dựng một mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ, nhưng chính phủ Việt Nam hy vọng rằng mối quan hệ với Mỹ sẽ có tác động kiềm chế Trung Quốc.

Malaysia và Indonesia trước đây đều đứng ngoài cuộc, nhưng những động thái gần đây của Trung Quốc trong khu vực đã làm họ phải lo lắng. Malaysia thực sự đã rúng động khi các cuộc tuần tra hải quân của Trung Quốc tiến tới bãi ngầm James, điểm cực nam của của đường chín đoạn nằm trong lãnh hải Malaysia. Trong khi ngoài mặt các nhà lãnh đạo Malaysia vẫn tiếp tục làm ngọt với Trung Quốc, các quan chức quốc phòng của họ đã thực sự cảm thấy lo lắng. Malaysia dự định xây dựng một căn cứ hải quân ở Bintulu thuộc bang Sarawak, nằm gần bãi ngầm James; và Bộ Quốc phòng Malaysia cũng đang muốn người Mỹ giúp trong việc huấn luyện để phát triển một quân đoàn thuỷ quân lục chiến theo mô hình của Mỹ.

Indonesia trước đây chỉ muốn đóng vai trò trung gian hòa giải, đứng ngoài các tranh chấp. Nhưng gần đây, nước này cũng đã bắt đầu lo lắng về chủ quyền trên quần đảo Natuna. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mâu thuẫn sâu sắc với học thuyết "trục hàng hải toàn cầu" của Indonesia. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, tướng Moeldoko, đã cảnh báo về khả năng bất ổn ở Biển Đông và cho biết sẽ có thêm các đơn vị không quân Indonesia được triển khai đến quần đảo Natuna.

Những biến cố này có liên quan gì tới nước Úc của chúng ta? Một số người vẫn cho rằng Úc nên tránh dính líu vào các vấn đề của Đông Á có thể dẫn đến xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi thì cho rằng nước Úc nên chấm dứt việc giới hạn quá mức các mối quan tâm chiến lược, bởi vì những bất ổn ở Biển Đông sẽ dẫn đến những hậu quả cho chính môi trường an ninh của Úc.

Áp lực không ngừng của Trung Quốc lên các nước ASEAN sẽ thu hút không chỉ có Mỹ, mà còn Nhật Bản, nước cũng có mối quan tâm riêng về động thái của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, và đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku. (Nhật Bản đã tìm cách giúp tăng cường khả năng hàng hải của cả Việt Nam và Philippines). Sự tham gia ngày càng tăng của các lực lượng quân sự bên ngoài  vào biển Đông có khả năng gây mất đoàn kết trong ASEAN – tổ chức đã bị chia rẽ trong các tranh chấp ở Biển Đông do các nước không có tranh chấp như Campuchia và Thái Lan ưu tiên quan hệ với Trung Quốc. ASEAN sẽ vẫn tồn tại, nhưng sự thiếu năng lực của tổ chức này đang trở nên rõ ràng hơn.

Một hậu quả nữa là sự phân cực trong khu vực, giữa Trung Quốc và vài nước đồng minh, với liên quân Mỹ-Nhật với sự tham gia của các nước nhỏ bị Trung quốc chèn ép hoặc lo sợ trước những tham vọng của nước này.

Tình trạng này có thể được ngăn chặn nếu các cường quốc bên ngoài lên tiếng, bày tỏ mối quan ngại của họ về Biển Đông, và thúc ép Trung Quốc phải chấm dứt các hành động khiêu khích và đàm phán các quy tắc ứng xử với ASEAN. Trong quá khứ, cách làm này đã cho thấy hiệu quả. Khi phải lo sợ về sự tham gia của các nước bên ngoài, Trung Quốc đã phải điều chỉnh hành vi của nó. Ví dụ, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trong tháng Bày năm 2014 sau khi Việt Nam phát động một chiến dịch làm cho Trung quốc phải mắc cỡ trên trường quốc tế, khi cho thấy các hành động sai trái của Trung Quốc. Thật vậy, nước Úc nên đóng góp tiếng nói của mình cho công cuộc này trong việc thừa nhận rằng chúng ta muốn thấy một khối ASEAN đoàn kết.